Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/05/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phía xa kinh thành

Giọt mưa nhỏ từ mái hiên tan ra trên lòng bàn tay, đôi mắt nàng nhòa theo bóng nước. Công chúa Huyền Trân đang nghĩ về miền đất mà nàng sắp đến.

Chiêm Thành! Hai tiếng ấy nghe sao xa xôi, lạ lùng quá! Ngày này cuối cùng cũng xảy ra. Bao lâu qua người ta đã đến cầu hôn mà hoàng thượng chưa đồng ý dứt khoát. Nàng biết, cả triều đình này có ai đồng ý đâu. Ai cũng bảo làm thế chẳng khác gì nàng chính là Chiêu Quân ngày xưa. Nhưng cha nàng, vị Thái thượng hoàng(1) cao đức đã nói về Chế Mân như một bậc anh tài, người mà một người cha chỉ cần trò chuyện đã muốn gửi gắm cuộc đời con gái mình cho ngài. Suy nghĩ nàng rối bời. Cha mẹ nào mà chẳng mong cho con cái mình hạnh phúc. Nàng là con gái cưng của thượng hoàng, sớm mồ côi mẹ. Thượng hoàng rất mực thương yêu nàng. Nàng hiểu những gì cha sắp xếp đều là vì hạnh phúc của nàng. Ôi Chiêm Thành xa xôi! Nơi ấy có những gì nhỉ? Chiêm Thành liệu có con sông nào lượn quanh hoàng cung hay không? Liệu có con sông nào như dòng Nhị Hà để nàng nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà? Chế Mân! Nghe đồn ông ta là một anh hùng, là một đức vua được trăm họ yêu kính. Không rõ, trông ông ta thế nào nhỉ? Nàng nhớ đến các cung nữ người Chiêm Thành trong đoàn cống tiến lễ vật hàng năm đến Đại Việt. Chao ôi! Trang phục của họ. Nàng về đấy rồi cũng phải ăn mặc như họ ư? Nàng tự biết là thân thể, làn da của nàng đẹp lắm. Nhất là phần thắt eo với cái rốn xinh xinh. Nhưng mà… phải mặc những thứ trang phục để lộ ra những gì như thế, nghĩ đến thôi mà mặt nàng đỏ bừng. Phong cảnh Chiêm Thành, vườn thượng uyển của nhà vua Chế Mân có những loài hoa gì? Chiêm Thành xa xôi chắc hẳn khác Đại Việt lắm!

                                                          ***

Đức vua Hưng Long(2) đi đi lại lại trong ngự phòng, vẻ mặt băn khoăn, chờ đợi.

- Bẩm hoàng thượng! Có quan Nhập nội Hành khiển xin yết kiến!

- Cho vào!

- Cho truyền quan Nhập nội Hành khiển!

- Thần Trần Khắc Chung xin bái kiến quan gia(3)! Chúc quan gia cát tường!

- Được rồi! Ái khanh bình thân!

- Tạ ơn quan gia!...

- Khanh đã đọc thư của trẫm? Trẫm gọi khanh về đây, khanh biết phải làm gì rồi chứ?

- Quan gia! Người định gả công chúa thật ư?

- …

-  Ta nhắc nhở vậy, giờ khanh lui được rồi!...

                                                          ***

Khắc Chung lặng lẽ bước theo sau công chúa. Khu vườn hoàng cung có hồ nước, đồi cây um tùm, vách đá dựng đứng… Nhiệm vụ của chàng là theo hầu bảo vệ công chúa khi nàng dạo chơi, đi cùng có hai thị nữ. Khắc Chung chỉ dám đi cách sau nàng một quãng. Cái bóng dáng mỏng manh ấy sắp phải vượt dặm xa đến làm vợ người ta nơi đất khách. Tâm trí chàng hiện về công chúa nhỏ trong hồi ức. Thuở bé, chàng từng theo hầu công chúa, từng dẫn công chúa đến những nơi xa xa hoàng cung một tí, tuy rằng nơi đó vẫn còn thuộc khu vườn hoàng cung. Mải chơi, Tuyên Từ Thái hậu đã phải cho người đi tìm, cuối cùng thấy công chúa nhỏ đang cùng Khắc Chung mải hái hoa bắt bướm ở khu vườn sau, đến khi trở về, chàng bị phạt phải quỳ. Công chúa đã đem bánh ngọt cho chàng, trò chuyện với chàng trong lúc chàng chịu phạt. Lòng chàng dành cho công chúa là sự trung thành bất biến, sự tôn kính và yêu quý của kẻ bề tôi với chủ nhân của mình. Chàng không dám nghĩ gì nhiều hơn mức ấy. Chàng biết rõ thân phận của mình. Chàng đã không thể hiểu nổi vì sao thượng hoàng lại hứa gả công chúa cho vị vua chốn xa xôi kia. Dẫu có làm phi - hậu xứ người nhưng chắc chắn nàng sẽ nhớ quê hương lắm. Gần đây, đức vua tâm sự với chàng về nỗi lo quốc gia, những niềm riêng mà theo hoàng thượng, chẳng ai đủ tin cậy để ngài chia sẻ. Chàng đã lờ mờ hiểu ra phần nào ý định của cuộc nhân duyên này. Chàng đành ủng hộ nhà vua, tìm cách khuyên công chúa để nàng thấy thích thú với cuộc hôn nhân. Nhưng lòng chàng vẫn nặng trĩu. Chàng chẳng biết phải bắt đầu thế nào, chẳng biết phải khuyên công chúa thế nào trong khi chàng không muốn vị chủ nhân cao quý mong manh của mình bị tổn thương.

- Ngài đang nghĩ gì mà ta gọi mãi không nghe thấy vậy? - Công chúa quay sang hai thị nữ đi cùng, khẽ bảo - Có quan Nhập nội Hành khiển đi cùng ta là được rồi, hai ngươi lui đi.

-…

 - Khắc Chung! Ta lại gọi huynh như thế nhé? Và… đừng câu nệ với ta.

- Bẩm công chúa! Thần…

- Huynh nói cho ta nghe xem, huynh biết gì về Chiêm Thành xa xôi kia? Huynh biết gì về nhà vua Chế Mân?

- Bẩm công chúa! Theo vốn hiểu biết cạn hẹp của thần, Chiêm Thành là một vùng đất trù phú, dân cư an lạc, đức vua nhân từ. Nhà vua Chế Mân là một vị anh hùng: Ra trận, là một tướng quân dũng mãnh. Trị nước: là một bậc minh vương. Đối với cái đẹp thì nâng niu trân trọng…

- Nói như huynh, Chế Mân… là một ông vua đáng kính? Chắc hẳn được nhiều người con gái mến yêu?

- Bẩm công chúa! Theo thần, chỉ có đức vua Chế Mân mới xứng với công chúa. Trai anh hùng - gái thuyền quyên, rồng phượng phải được hợp duyên ạ!

- Vậy… huynh đã gặp nhà vua chưa?

- Bẩm công chúa! Thần tuy chưa được gặp đức vua nhưng theo lời đồn, nhà vua rất được lòng dân. Ngài có dáng dấp của một bậc quân vương: mắt phượng, mày rồng, trán cao, lưng rộng, mực thước chững chạc…

- Tất cả cũng chỉ là lời đồn! Huynh quên một điều, Chiêm Thành rất xa Thăng Long.

- Bẩm công chúa! Thần trộm nghĩ về dung mạo và nhân cách của nhà vua thì đức thượng hoàng rõ hơn ai hết. Chiêm Thành quả là xa Thăng Long nhưng đất Chiêm Thành trù phú, người Chiêm Thành hồn hậu, phong cảnh Chiêm Thành là những gì mới lạ so với Đại Việt, so với Thăng Long. Một nơi như thế thuộc quyền công chúa làm chủ cũng xứng lắm ạ.

- Vậy thì, Chiêm Thành rất đáng là nơi để ta tìm hiểu…

Đôi mắt công chúa lại nhìn đăm đăm vào mặt hồ lặng sóng. Từng khóm liễu rủ mình soi bóng xuống hồ sâu xanh ngắt. Khắc Chung không đoán nổi công chúa đang nghĩ gì. Chàng cũng không thể tin nổi, những lời vừa thốt ra là do chàng nói. “Chiêm Thành… rất xa Thăng Long”. Câu nói ngập ngừng của công chúa Huyền Trân khiến chàng phải chạnh lòng. Công chúa lá ngọc cành vàng, tựa như cành liễu không trụ nổi mình trước cơn gió lùa mạnh, sao nàng có thể chịu được những vất vả trên đường trường đến Chiêm Thành kia? Nàng công chúa đang hồn nhiên rồi sắp phải gánh trọng trách lớn lao - làm phi - hậu đất nước Chiêm Thành. Bậc mẫu nghi thiên hạ đâu thể là nàng công chúa thơ ngây mãi được. Rồi, còn cả tình giao hảo hai nước… Chao ôi! Nghĩ đến đây mà chàng chỉ muốn lên tiếng ngăn công chúa lại. Rằng “Chiêm Thành đẹp đấy, trù phú và hấp dẫn lắm đấy, Chế Mân là ông vua tốt đấy… Nhưng cuộc nhân duyên này không đơn giản và nhiều mộng mơ như công chúa nghĩ đâu”. Chàng chỉ ước mình có thể nói ra một điều gì đó, để công chúa từ bỏ niềm háo hức đang bị chính chàng nhen lên kia. Nhưng, nhớ đến tâm sự của đức Hưng Long, chàng không thể nào làm thế. Đấy, là đấng nam nhi ở đời, đã là quan Nhập nội Hành khiển, vậy mà rồi có lúc chàng phải làm những việc ngoài suy nghĩ, thậm chí là ngược với mong muốn của chàng.

                                                          ***

-  …

- Ái khanh cần bao lâu?

- Xin quan gia cho thần một tháng ạ!

- Chuẩn tấu! Một tháng thôi đấy!

- Tạ ơn quan gia!

                                                          ***

Khắc Chung chưa bao giờ cảm thấy vui như lúc này. Cuối cùng thì chàng đã thực hiện được mong muốn từ thuở bé của công chúa.

Khắc Chung luyện võ từ nhỏ nên đã từng cưỡi ngựa ra ngoại thành. Trong những gia trại ngoài kinh thành, chàng có rất nhiều bằng hữu. Ngày trước, công chúa nhỏ nghe chàng kể chuyện mà ước: “Ước gì ta được tự do như huynh để ra ngoài dạo chơi thăm thú, thử vai một thường dân tự do tự tại…”. Nay, chàng cởi mũ áo quan, ăn mặc bình thường, cưỡi ngựa đi cạnh kiệu công chúa. Đám thị vệ cải trang thành đám phu kiệu, công chúa cũng trang điểm giản đơn như một tiểu thư nhà dân thường. Chàng sẽ đưa công chúa đến thăm những gia trại vốn vẫn là bạn tốt của chàng. Rồi công chúa sẽ được thấy dân thường sống thế nào, bữa cơm ngoài hoàng cung sẽ ra làm sao. Những món ăn, những cảnh đẹp mà chàng luôn ngây ngất, chàng cũng muốn công chúa của mình được chiêm ngưỡng và trải nếm.

- Ôi! Sông Nhị Hà ngoại thành đây ư?

- Bẩm! Công chúa nhìn xem, bên này là bãi bồi, còn bên kia là bến lở. Giữa sông có một khoảng đất kia, chính là bãi giữa Nhị Hà.

- Bãi giữa Nhị Hà?! Ôi đẹp quá! Thích quá! Này Khắc Chung, ngoài bãi giữa kia có những bông hoa rất lạ kỳ.

- Bẩm công chúa! Đấy chính là đám lau sậy. Loài cây này thường mọc tự nhiên như thế giữa bãi sông, hoặc ven suối nếu ở miền núi. Nếu đánh trận bằng  thuỷ quân, đám cây này cũng là một lợi thế lớn. Hoa của nó hương không đặc biệt, nhưng vẻ đẹp mộc mạc, dân dã của nó lại dễ làm lay động lòng người. Loài hoa này không sặc sỡ như hoa trong Hoàng cung, là cả một nét đẹp tươi mới lạ lùng nhưng rất đỗi quen thuộc trong nhân gian mà thần muốn công chúa biết tới. Nếu năm nào hoa lau nở rộ, thì người dân khắc biết năm đó không bị lũ lụt.

- Thực ta không ngờ lại có nơi như thế! Đẹp quá! Thích quá! Còn nơi nào ngoài nơi này nữa không?

- Bẩm công chúa, còn nhiều lắm. Nhưng bây giờ… công chúa chắc đã mệt, người hãy về Đinh gia trang nghỉ ngơi trước đã.

- Chuyến đi này, ta phải nghe lời huynh thôi. Nhưng ta muốn biết, ngày mai huynh sẽ dẫn ta đến đâu?

- Bẩm công chúa, mùa này ở Dâm Đàm có sương mù vào những buổi chiều trông rất tuyệt. Ngày mai, thần xin hộ giá công chúa đến đó!

- Ôi! Sương mù ở Dâm Đàm ư? Được, bây giờ chúng ta trở về Đinh gia trang!

Nghĩ đến lúc công chúa thốt lên trước những cảnh đẹp đi qua, chàng càng thêm yêu quý chủ nhân. Nàng rất mơ mộng, còn thơ ngây, hồn nhiên lắm. Vậy mà… đôi vai gầy nhỏ bé ấy sắp phải gánh trọng trách lớn. Trọng trách ấy liên quan đến rất nhiều mối quan hệ phức tạp - yêu cầu sự đúng đắn và chuẩn mực. Tiếc thay, vẻ hồn nhiên, thơ ngây ấy sắp phải sớm chấm dứt. Cứ nghĩ đến đây, chàng không khỏi chua xót.

Suốt nửa tháng trời, Huyền Trân theo Khắc Chung vi hành bên ngoài mà không ai hay. Bởi lẽ, đức Hưng Long đã đồng ý với Khắc Chung là ra chỉ dụ không ai được quấy rầy công chúa trong thời gian công chúa học làm phi - hậu của đất nước Chiêm Thành, trừ những người thân cận.

Nửa tháng trôi qua thật nhanh.

Khắc Chung nhận ra chàng đã yêu chủ nhân của mình. Đến lúc này thì không thể tự dối mình nữa. Chàng đã yêu say đắm công chúa Huyền Trân. Nhưng, nàng sắp trở thành vợ người khác. Nàng sắp là phi - hậu của người ta. Có thể, sau lần này, chàng vĩnh viễn không thể gặp lại công chúa được nữa. Chàng đau lòng. Chàng đau lòng nhưng chàng chấp nhận. Chàng hiểu, Chế Mân là một vị vua tốt, là một người đàn ông xứng đáng với công chúa. Nhưng, việc nàng phải đi xa như thế, tuy thấy không đáng nhưng chàng nào dám lên tiếng đâu. Chàng đâu là gì trong hoàng tộc! Chàng đâu là gì trong triều đình to lớn! Chàng chỉ là một quan viên nhỏ bé, tạm thời được sự ưu ái của nhà vua, sự tin cẩn của công chúa mà thôi. Chừng đó để làm gì chứ? Chừng đó chưa đủ để khiến cho lời nói của chàng có trọng lượng. Hơn nữa, hơn ai hết, chàng hiểu và cảm thông với tâm sự của nhà vua. Và chàng đã quyết đem theo những gì chàng biết xuống mồ. Chàng muốn trung thành tuyệt đối với chủ nhân tối cao của mình.

Còn Huyền Trân? Đối với nàng công chúa cao quý, cuộc “dạo chơi thăm thú” bên ngoài vừa qua là một kỷ niệm đẹp đáng nhớ. Nàng sẽ giữ mãi trong ký ức khi nàng rời xa Thăng Long đến với Chiêm Thành. Chuyến vi hành cho nàng thấu hiểu hơn cuộc sống của những người dân thường. Những tâm tư, nỗi niềm và mong muốn của nhân dân… Ắt hẳn, điều này sẽ giúp nàng rất nhiều khi nàng trở thành phi - hậu của xứ Chiêm. Chuyến đi đã cho nàng thêm nhiều kiến thức về các món ăn dân dã. Rồi nàng sẽ nấu những món đó cho người chồng tương lai chưa một lần gặp mặt của nàng. Nàng sẽ bảo với đức vua, đấy là những món đặc sản của quê hương nàng. Chắc Chế Mân sẽ ngạc nhiên lắm…

Ngày lành tháng tốt được định sẵn, Huyền Trân cũng đã học hết những quy tắc nghi lễ của đất nước Chiêm Thành. Nàng thấy các phong tục lễ nghi của vương quốc này cũng khá hay, khá thú vị. Tiếng Chăm tuy khó học nhưng nàng biết cách học để dễ nhớ nên cũng không có gì là trở ngại. Ngày lên kiệu hoa sắp đến gần mà lạ thay, cảm xúc chiếm trọn tâm trí nàng vẫn là sự háo hức, hồi hộp.

Nghe tin đoàn người rước kiệu hoa đã đến ngoài thành. Nhớ lại những gì Khắc Chung nói về Chế Mân, công chúa mơ màng hình dung ra vị phu quân tương lai mà chưa một lần gặp mặt của mình. Nghe nói Chế Mân là một ông vua tuy đã ngoài bốn mươi nhưng trông còn tráng kiện lắm. Người đàn ông có vầng trán cao rộng, đôi mắt tinh anh, cánh mũi thẳng và ánh nhìn thân thiện, trìu  mến. Ngài đội chiếc mũ chỏm cao có hình đầu chim thần Garuda, nước da đậm màu trải nghiệm, chững chạc. Tóc ngài tết hai bím nhỏ bỏ lửng bờ vai trước và một phần xõa ra sau lưng - mái tóc xoăn đặc trưng mà nàng đã có dịp thấy trong đoàn người Chăm. Tất cả mang vị mặn của biển, hơi nóng của nắng gió Chiêm Thành… Đó, người như thế là nhà vua Chế Mân! Nhìn những tia nắng đuổi nhau qua cành cây bên lầu mà tự bật cười. Nàng đang hình dung ra người ấy. Nàng sắp gặp Chế Mân vĩ đại trong lời ca tụng của mọi người! Miền đất nàng đến sẽ mang lại nhiều hứa hẹn cho nàng. Nàng lại tưởng tượng lúc nàng cưỡi voi cùng với Chế Mân đi thị sát dân tình: Nàng vẫy tay chào trăm họ, Chế Mân nhìn nàng cười hài lòng, những người dân đổ xô đứng cả hai bên đường để được ngắm nàng - vị công chúa Đại Việt giờ là quốc mẫu của họ…

Huyền Trân rón rén đứng sau tấm rèm nơi ngự phòng. Thái thượng hoàng cha nàng cũng đã trở về cung chuẩn bị nhận lạy từ của nàng và Chế Mân, nay đang cùng nhà vua Hưng Long bàn về hôn lễ của nàng.

- Thưa phụ hoàng, Chế Mân đã đem lễ vật đến, nay đang đợi ngoài thành ạ.

- Quan gia không mau mời họ vào ngay!

- Thưa, con đã truyền quân đi nghênh đón. Khi họ vào thành, con muốn phụ hoàng cùng con đón tiếp họ!

- Được! Được lắm! Làm vậy là phải!

- Thưa… Chế Mân đã mang theo những sổ sách đinh điền của hai châu Ô và Lý thêm vào lễ cầu hôn! Theo phụ hoàng… con nên xử trí thế nào ạ?

- Ồ! Tốt! Hãy nhận đi! Dù sao, đó cũng là lễ cầu cưới, quan gia cứ nhận đi!

Huyền Trân đứng phía sau rèm, đã nghe hết cả. Nàng quá bất ngờ về lễ cầu hôn này. Chế Mân dùng hai châu Ô, Lý để làm vật cầu cưới thật ư? Nàng đã được nghe phong thanh về việc hai châu này sắp thuộc về Đại Việt, nàng nghĩ chỉ là lời đồn. Ông vua này có vẻ hào phóng? Nhưng, liệu có uẩn khúc gì chăng? Chẳng lẽ nào… Không! Không thể như thế! Không phải như thế! Huyền Trân bước vội về Hậu lâu. Nàng cố bịt tai lại, nàng không muốn lởn vởn trong đầu mình những suy nghĩ vừa xuất hiện ấy. Không! Phụ thân và huynh trưởng nàng không đời nào như thế! Họ không phải là người như thế! Nào, hãy đơn giản ý nghĩ đi - nàng tự nhủ thầm - Đó chỉ là vật cầu hôn của Chế Mân. Nó cũng chỉ đơn giản như những vật cầu hôn khác, không có gì phải suy nghĩ nhiều đến vậy. Nàng sẽ quên những suy nghĩ đó, những suy nghĩ vừa mới nhen lên trong tâm hồn vốn trong sáng, vô tư của nàng. Nàng sắp về với Chế Mân, nàng sắp là phi - hậu của Chiêm Thành. Nàng chỉ được phép nghĩ về người chồng của mình, về đất nước mà mình sẽ sống suốt quãng đời còn lại bằng những suy nghĩ tốt đẹp với bao háo hức ban đầu. Và, nàng còn phải gắng sao để sống cho hoà hợp với các lễ nghi mà nàng vừa được học về đất nước lạ kỳ ấy…

                                                ***

- Bẩm hoàng thượng! Công chúa…

- Hoàng thượng! Thần không muốn về Chiêm Thành! Thần không muốn lấy Chế Mân!

- Công chúa! Muội vừa nói gì vậy? Tại sao chứ? Chế Mân là một đại anh hùng, sao muội lại từ chối?

- Muội… muội không yêu ông ta! Tại sao muội phải lấy người mà muội không yêu?

- Công chúa! Muội không thể từ chối được… Muội không thể từ hôn bây giờ…

- Tại sao chứ? Chẳng phải, hoàng thượng từng nói, sẽ tùy theo ý kiến của muội? Sẽ tôn trọng ý kiến của muội ư? Muội không lấy Chế Mân! Muội không muốn lấy chồng!

- Nghe ta nói đã, công chúa! Công chúa!...

-  …

                                                ***

Thái hậu Khâm Từ Bảo Thánh ngự trên đám mây ngũ sắc, xiêm y lộng lẫy, hai bên là hai bé hầu xinh xắn, dễ thương. Trông người đẹp hơn thuở công chúa còn bé. Người nhìn nàng và cười mà không nói gì. Theo hướng tay chỉ của người, Huyền Trân ngoảnh lại sau lưng thì thấy trăm họ hai châu Ô, Lý đang rạp mình trước đức Hưng Long, vẻ mặt hớn hở. Khắc Chung đứng tách ra một bên, ánh mắt nhìn nàng khác lạ, như muốn nói điều gì. Nàng quay lại thì không thấy Thái hậu đâu cả, thay vào đó là gương mặt Chế Mân, chẳng khác gì so với những điều nàng tưởng tượng. Chế Mân cười với nàng, chìa tay về phía công chúa. Huyền Trân không biết phải làm gì, nàng lưỡng lự lùi một bước, định chạy về phía Khắc Chung. Chế Mân chợt hoảng hốt nắm chặt tay nàng không ngần ngại, kéo nàng về phía trước. Sau lưng nàng là vực thẳm! Nàng đang đứng trên vách núi cùng Chế Mân và vòng tay rộng lớn của Chế Mân đang ôm gọn lấy nàng. Nàng nhìn quanh tìm Thái hậu nhưng chẳng thấy người đâu. Cảm giác mất mát từ hồi sáu tuổi lại ùa về trong nàng. Lần này nó lớn hơn, mãnh liệt hơn. Nàng nhớ mẫu hậu! Nàng chực khóc khi nhớ rằng mẫu hậu đã mất lúc nàng sáu tuổi. Trên đỉnh núi chợt phát ra tia hào quang, Huyền Trân cùng Chế Mân ngước nhìn lên. Khâm Từ Thái hậu vẫn đứng trên đám mây ngũ sắc, vẫy tay cười với hai người rồi đám mây cứ thế dần bay vút lên trời cao...

Huyền Trân tỉnh dậy sau cơn mơ, nàng vừa mơ thấy mẹ. Huyền Trân chợt thấy bình tĩnh hơn bao giờ hết, nàng không thấy buồn, cũng không khóc nữa. Công chúa hiểu rằng mẫu thân đã báo mộng cho nàng.

                                                          ***

Huyền Trân ngồi yên cho đám người hầu trang điểm. Chế Mân đang đợi ngoài kia. Đất nước Chiêm Thành đang đợi nàng về. Sau giấc chiêm bao, Huyền Trân thấy mình như trưởng thành hơn hẳn. Nàng đã biết trọng trách của nàng lớn lao biết bao. Được học hành, nuôi dạy tử tế từ nhỏ, đã đến lúc nàng làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, với Tuyên từ Thái hậu - người đã thương yêu nàng như con ruột. Huyền Trân nhắm mắt ghi nhớ lại một Thăng Long mà nàng sắp phải xa, một Đại Việt đã nuôi dưỡng nàng được như ngày hôm nay. Tạm biệt! Tạm biệt cả Khắc Chung thân thiết! Tạm biệt dòng sông hiền hòa cho nên những bãi bồi phù sa! Tạm biệt những đám lau sậy không hương sắc vẫn lặng lẽ làm rung động bao trái tim nhạy cảm…

 

L.U 

Chú thích:

1 Vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308).

2 Niên hiệu của vua Trần Anh Tông (1276 - 1320).

3 Cách gọi nhà vua của quan quân thời Trần.

 

 

 

LÝ UYÊN ( Tạp chí Sông Lam)

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt kỷ niệm 35 năm ra số đầu tiên

6 Giờ trước

Chiều ngày 28/5, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên. Đến dự có bà Hồ Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, các đồng chí nguyên là cán bộ của Tạp chí Cửa Việt cùng đông đảo các cộng tác viên thân thiết.

Mãnh hổ

26/05/2025 lúc 19:54

Cô đơnTrên đỉnh non cùngUống sao trờiVờn mây đầu núiMắt ánh lửaThân hình như dòng suốiNúi lửa ngàn năm thiêu lóng lánh sợi vàngTiếng hổ

Niềm riêng

24/05/2025 lúc 23:47

Anh về xóm nhỏ ngày xưaTìm lại tuổi thơ ngây ngô khờ dạiNơi hai ngõ gần,

Cho con về với những tháng năm xa

24/05/2025 lúc 23:45

Cho con về với tháng năm xaLúa đã chín trên cánh đồng giông bãoMẹ gặt lúa

Tự khúc quê; Mẹ quê

24/05/2025 lúc 23:44

Tự khúc quê… Gửi tôi một cánh chuồn chuồnCủa ngày thơ dại nỗi buồn đã quaViên bi ở góc sân nhàCòn lăn về phía

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/05

25° - 27°

Mưa

31/05

24° - 26°

Mưa

01/06

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground