Phát huy thành quả của quá trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) đạt chuẩn năm 2017, NTM nâng cao năm 2022, đến nay xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại. Các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...
Nỗ lực vượt khó về đích xã kiểu mẫu
Trong cuộc chuyện trò với chúng tôi, ông Lê Hữu Phương - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa nhắc đi nhắc lại, việc giữ vững các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao và hoàn thành bộ tiêu chí theo quy định trong xây dựng NTM kiểu mẫu là một nấc thang khá khó khăn đối với vùng đất lấy sản xuất nông nghiệp làm bệ đỡ như Cam Nghĩa. Tuy nhiên với sự nỗ lực, đoàn kết, vượt khó trong các tầng lớp nhân dân, quyết liệt trong công tác lãnh đạo điều hành, triển khai đồng bộ các nghị quyết, chương trình hành động từ xã đến thôn đã tạo được bước đột phá trong phát triến kinh tế - xã hội và đã “về đích” sớm hơn dự kiến trong xây dựng NTM kiểu mẫu.
Đường làng ngõ xóm sáng xanh sạch đẹp trong xây dựng NTM kiểu mẫu ở Cam Nghĩa - Ảnh: T.Đ
Để “nói có sách, mách có chứng”, ông Phương tiếp tục hồ hởi dẫn lời, ví như trong công tác phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể chủ động triển khai tới tận người dân việc thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác xã… Nhờ vậy, đến nay toàn xã có 910 ha cây cao su, 21 ha cây hồ tiêu, hơn 1.997 ha rừng sản xuất và 35 ha cây dược liệu. Chuyển đổi một số vùng diện tích cây trồng kém hiệu quả qua trồng 30 ha riềng, các loại cây trồng mang lại thu nhập chính cho người nông dân…
Trong chăn nuôi thì tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Huyện ủy Cam Lộ về cải tạo và phát triển nâng cao chất lượng các đàn gia súc, gia cầm với các giải pháp quyết liệt chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin… Hiện nay, toàn xã có 25 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn với 15.000 con; 6 trang trại chăn nuôi gà với khoảng 70.000 con/năm. Hơn 20 gia trại chăn nuôi dê với tổng đàn là 1.200 con; tổng đàn thỏ khoảng chừng 2.000 con; 2 gia trại chăn nuôi lợn rừng lai và nuôi hươu lấy nhung… Không những thế, chính quyền địa phương còn tìm kiếm thị trường cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp. Đổi mới các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp… Tính đến hết năm 2024 thu nhập từ nông nghiệp là 281,7 tỷ đồng, từ thương mại - ngành nghề - dịch vụ là 126,5 tỷ đồng và các khoản thu khác với tổng số tiền 167,4 tỷ đồng… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương quản lý và sử dụng vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách hiệu quả, đúng mục đích trong đầu tư phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo, thoát nghèo cho nhiều hộ gia đình ổn định cuộc sống. Thu nhập bình quân đầu người năm đạt 63,62 triệu đồng.
Còn trong công tác điều hành, kiểm tra, giám sát, UBND xã thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng từng tiêu chí trong xây dựng NTM kiểu mẫu, nhằm hướng dẫn các thôn thực hiện các nội dung theo kế hoạch. Các thành viên tổ giúp việc bám sát cơ sở, nắm bắt tiến độ, tham mưu cho ban chỉ đạo, ban quản lý xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình… Đặc biệt, xã đã thành lập ban giám sát đầu tư cộng đồng để tổ chức các cuộc giám sát, theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định về lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong tích trữ vấn đề ruộng đất. Xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, chương trình nước sạch, trường học, nhà văn hóa, sân thể thao... có nguồn vốn từ ngân sách và do nhân dân đóng góp. Nhờ đó đã phát hiện một số những sai phạm, kịp thời đề xuất, kiến nghị các cơ quan có liên quan giải quyết, khắc phục, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí đem lại niềm tin, lợi ích cho nhân dân…
Vườn cam trồng theo hướng hữu cơ và hệ thống tưới tự động cho năng suất cao ở Cam Nghĩa - Ảnh: T.Đ
Hướng tới xây dựng nông thôn thông minh
Chúng tôi có nhiều giờ rong ruổi qua những còn đường phẳng lì xanh mát đầy hoa thơm, quả ngọt của thôn Hoàn Cát, nơi đầu tiên trên địa bàn xã Cam Nghĩa bước đầu hoàn thành các tiêu chí “thôn thông minh” theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu về hạ tầng số, xã hội số và kinh tế số.
Theo ông Phạm Công Trường - Bí thư Chi bộ thôn Hoàn Cát, ngay sau khi được xã giao cho xây dựng mô hình thôn thông minh, địa phương đã quán triệt đến tất cả mọi người, mọi gia đình cùng tham gia để xây dựng mô hình và nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, hướng dẫn của chính quyền địa phương và sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, thôn Hoàn Cát từng bước thực hiện lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống camera an ninh, xây dựng các mô hình sản xuất, hệ thống Internet, cáp quang và sóng di động 4G/5G bao phủ 100% hộ gia đình… UBND xã cũng đã thành lập một tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn Hoàn Cát nhằm hỗ trợ triển khai các nhóm/tổ công nghệ số cộng đồng nhằm thực hiện thông tin, tuyên truyền, điều hành công việc qua nền tảng Facebook, Zalo, Messenger... “Trước đây, mỗi khi có thông tin gì liên quan đến công việc trong thôn, chi bộ, các chi hội đoàn thể phải thông báo trên loa truyền thanh hoặc đi từng ngõ, gõ từng nhà để thông tin. Nhưng từ hai năm trở lại đây, thôn đã thành lập nhóm Zalo, Messenger... với sự tham gia của hầu hết các gia đình trong thôn nên mọi thông tin được tuyên truyền, phổ biến đến người dân nhanh chóng. Từ đó, giúp việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc chung của thôn được triển khai kịp thời, thuận lợi”, ông Trường chia sẻ thêm.
Không dừng lại ở đó, việc triển khai xây dựng “thôn thông minh” đã tạo được một bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần không nhỏ vào đổi thay ở nhiều mặt đời sống của người dân trên địa bàn thôn Hoàn Cát. Nhất là việc tổ công nghệ số cộng đồng đã thành lập trang Facebook công khai của thôn Hoàn Cát để đăng tải các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các sự kiện lớn của quê hương đất nước. Tổ chức triển khai phát triển tài khoản thanh toán trực tuyến các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin, học phí, khám chữa bệnh… Lắp đặt hệ thống điện cao áp chiếu sáng khoa học, hiện đại bằng hệ thống cài đặt rơle đóng ngắt tự động với 31 bóng đèn điện tử của trục đường chính và 51 bóng đèn led của trục đường phụ.
Đặc biệt, trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, từ khi có mô hình thôn thông minh, người dân mạnh dạn hơn trong áp dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nhằm theo dõi, giám sát, truy xuất nguồn gốc, giảm chi phí sản xuất, đảm báo chất lượng sản phẩm. Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Ngọc với quy mô 2.350 con/lứa (2 lứa/năm thu nhập 700 triệu/năm đã trừ chi phí). Mô hình chăn nuôi gia cầm (gà) của bà Nguyễn Thị Luận quy mô 25.000 con/lứa (4 lứa/năm thu nhập 400 triệu đồng/năm đã trừ chi phí) tự động hóa hoàn toàn khâu cho ăn, uống nước và tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo định kỳ…
Vui mừng trước những phát triển khá toàn diện của làng quê sau gần mười lăm năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Lương - Trưởng làng Miễn Hoàn phấn khởi rằng, dù trải qua một chặng đường vất vả, gian khó nhưng chương trình đã đem đến sự hài lòng cho nhân dân. Từ đồng ruộng, vườn tược đến đường làng, ngõ xóm đều sáng xanh sạch đẹp. Nhất là việc áp dụng công nghệ vào trong sản xuất đã giúp người dân khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lợi thế của từng mảnh vườn để nâng cao thu nhập cho rất nhiều hộ gia đình.
Việc áp dụng công nghệ số là một bước tiến mới mang đến nhiều cơ hội phát triển trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Tận dụng cơ hội đó trong xây dựng nông thôn mới hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh là hướng đi mà xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đang chọn để đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, để làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn và đúng theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.