Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 15/05/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cà phê với Tăng Duy Tân

Tăng Duy Tân là một hiện tượng nhạc trẻ, nổi lên trong những năm gần đây, với những bài hit đình đám, trăm triệu view, có những bài lọt top 1 trending YouTube, có những bài “phủ sóng” ra nước ngoài. Tân vừa là nhạc sĩ, vừa là ca sĩ được tặng nhiều giải thưởng âm nhạc. Tân vốn học khoa sử, Trường Đại học Khoa học Huế, ra trường từng làm hướng dẫn viên du lịch nhưng sau đó đã rẽ sang “con đường âm nhạc”. Ngã rẽ này ngỡ như tình cờ nhưng chắc là có duyên “tiền định”. Tân bén duyên với âm nhạc hẳn là do thừa hưởng được gen nghệ thuật của gia tộc. Tân có ông là nhạc sĩ Trần Hoàn, anh họ là ca sĩ Tùng Dương.

Sau khi đã toả sáng ở các sân khấu trong nước, lần đầu tiên, Tân về biểu diễn tại quê nhà trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (19/3/1975 - 19/3/2025). Ông anh họ Tùng Dương cùng về để hát một số bản nhạc “làm nóng” chương trình và dĩ nhiên không thiếu bản Tái sinh của Tân đã “bùng nổ” trên mạng xã hội. Trong dịp này, tôi đã gặp và trò chuyện với Tân, bên chén cà phê ngát hương trong một cái quán ở thôn Câu Nhi, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, quê hương của Tân. Tiếp xúc với Tân, dễ thấy, nhạc và người khác xa nhau. Nhạc sôi động, bắt tai, tạo trend. Người thanh cảnh, thư sinh, nhẹ nhàng, trầm tính. Nhưng đó là nhìn cảm quan bề ngoài. Nhìn sâu bên trong lại khác. Nhạc Tăng Duy Tân nhịp đi nhanh, rộn ràng nhưng thấm đẫm chất buồn và muốn thoát ra khỏi “lâu đài của những cơn đau bất tận” (Bên trên tầng lầu). Người Tăng Duy Tân dễ mến, hồn nhiên nhưng vương nét buồn kín ẩn trong mắt và phảng phất trên đài trán ngây thơ. Người ấy nhạc ấy vậy. 

Tác giả Nguyễn Hoàn trò chuyện thân tình cùng nhạc sĩ, ca sĩ Tăng Duy Tân - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Hoàn trò chuyện thân tình cùng nhạc sĩ, ca sĩ Tăng Duy Tân - Ảnh: TGCC

Tân cho biết mình viết nhạc đã lâu nhưng chính thức là từ năm 2020, khi vào thành phố Hồ Chí Minh. Những bài đầu tiên là Tình đầuNgây thơ viết năm 2020. Dạ vũ viết năm 2021. Hai bài Ngây thơ và Dạ vũ được Nhạc viện Bắc Kinh mua lại năm 2021 để giảng dạy cho sinh viên. Cô đơn trên sofa viết năm 2022. Album Khu vườn tình và bài Tái sinh ra mắt năm 2024. 

Tôi bắt đầu mạch chuyện với Tân bằng cách nhắc đến bài hit Cô đơn trên sofa do Hồ Ngọc Hà hát:

- Lâu nay, anh không để ý đến giọng Hồ Ngọc Hà lắm, vì không gây ấn tượng cho mình. Nhạc mà Hồ Ngọc Hà hát, anh cũng không nghe nhiều. Nhưng khi Hồ Ngọc Hà hát Cô đơn trên sofa, anh bắt đầu để ý và thấy giọng rất hợp. Có người cho rằng bài Cô đơn trên sofa nhờ giọng Hồ Ngọc Hà đưa đẩy lên để tạo hit nhưng theo anh, chính bài Cô đơn trên sofa đã làm cho anh chú ý đến giọng ca của Hồ Ngọc Hà hơn. Đấy là cảm nhận rất thật lòng của anh. Bởi vì, anh nghe ca sĩ hát anh cũng rất kén. Khác với các ca sĩ lớp trước, ca sĩ sau này thì Tân biết rồi, nhiều khi họ biểu diễn thiên về vũ đạo, ngoại hình… chứ còn để hát vào nội tâm người nghe thì không có nhiều. Sau những bài hit, mới đây, Tân có ra album Khu vườn tình. Anh có nghe, nhưng anh thấy các bài hit của Tân trước đó, anh nhớ nhiều hơn Khu vườn tình này. Nhưng đến khi Tân làm ra bài Tái sinh, nghe rất là bắt tai. Bài này không nằm trong Khu vườn tình phải không?

Tân thủng thẳng đáp mà như để giải tỏ:

- Bài này lúc đầu nằm trong album Khu vườn tình. Sau đó tách ra để cho anh Tùng Dương có một bài riêng, anh tự hát, không phải cover. Thật ra, album gồm 10 bài không cần phải hit. Bởi vì album làm ra để đó rồi nghe rất là nhiều năm. Làm solo mới hit, chứ làm một lúc 10 bài sẽ bị loãng.

Đến đây, tôi muốn đẩy câu chuyện đi xa hơn chuyện hot trend, chuyện bài hit, khi tôi đưa ra câu chuyện về “tuổi thọ âm nhạc” với Tân:

- Khi em ra bài Tái sinh, anh thấy công chúng bắt đầu để ý lại đến em, sau một thời gian em “im lặng”. Tùng Dương có nói với em rằng, Tùng Dương không còn trẻ nữa, em viết cho Tùng Dương một ca khúc trẻ trung nhưng sâu sắc. Bài Tái sinh em viết đúng ý Tùng Dương đã gợi ra. Khi em viết nhạc, để tạo được hit là rất tốt. Nhưng làm sao để một bản nhạc trụ được với thời gian, nghĩa là phải có tuổi thọ, điều đó càng tuyệt vời hơn. Với những bài như Tái sinh, anh dự cảm bài này sẽ có một tuổi thọ nhất định. Để có tuổi thọ cho bản nhạc là một thử thách. Nếu tính tuổi thọ, nhạc bây giờ khó trụ được với thời gian so với nhạc trước đây. Hồi trước, tuổi thọ của nhiều bản nhạc là lâu dài.

Tân nói, giọng chùng xuống, không phải tỏ vẻ buông xuôi mà là nhìn thẳng vào thực tế:

- Hồi xưa ít nhạc sĩ, ca sĩ, giờ thì đầy luôn. Thị trường cạnh tranh liên tục, sản phẩm ra liên tục. Thực tế hiện tại là vậy đó anh, trong tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ mỗi âm nhạc.

Tôi chuyển mạch sang chuyện làm sao tiếp tục khẳng định “Tân là Tân” trong nghệ thuật âm nhạc, tức là làm sao có một “Tân dài lâu” chứ không phải chỉ là “Tân nhất thời”:  

- Khi viết nhạc, em đi theo những thể loại gì? Trong kỹ thuật viết, em có tính sẽ luôn làm mới mình không? 

- Thể loại của em thì một mình em viết. Mình mới thì âm nhạc của mình mới thôi - Tân nói, vẻ tự tin - Em thấy có người cứ cố thoát ra khỏi hình bóng của mình thường là họ sẽ gặp thất bại. Vì họ đánh mất chính mình. Còn em nghĩ cái chi thì em viết cái nấy thôi. Từ 2022, 2023, người ta đã cho là em viết một màu mà tới tận bây giờ, em vẫn một màu ấy đó. Mình viết cái của chính mình. Mình đào sâu trong nội tâm mình. Em thấy “vấn đề nghiêm trọng” là nhiều màu quá sẽ không xác định được màu của mình. Nhiều người bạn của em đi tìm cho mình một cái màu nhưng tìm không được. Giống như bác Trịnh ngày xưa thì bác cũng một màu duy nhất. Cả cuộc đời của bác chạy trên vòng la thứ.

Ở chỗ này, tôi nghĩ khác Tân. Đúng là nhạc Trịnh đào sâu vào cung la thứ nhưng không chỉ có thế. Trịnh Công Sơn còn viết nhiều cung trưởng. Nhạc Trịnh không chỉ có tình ca mà còn có ca khúc Da Vàng. Bảng màu nhạc Trịnh phong phú. Tôi “mở ngoặc” trao đổi thêm với Tân vậy. Còn Tân vẫn mải mê trong dòng mạch của mình:

- Em thấy có những người đã thử kiểu của em nhưng người ta làm không tới. Người ta nghe một bài hát, rồi cố gắng làm lại theo, người ta sẽ không làm được. Cái em dùng quan trọng nhất là chất liệu - Tân nói một điều khiến tôi bất ngờ - Chất liệu của em là nhạc cách mạng. Ai khéo thì mới nghe ra được chất cách mạng ở trong đó. Ví dụ như bài Cắt đôi nỗi sầu đang chạy nhịp 4/4 chỉ cần qua nhịp 2/2 là ra nhạc cách mạng ngay.

- Nhạc của em, xét về nội cảm, có những bài buồn nhưng mà tiết tấu nghe lại vui - Nghe tôi nói vậy, Tân gật đầu đồng ý: “Dạ”. Tôi nêu dẫn chứng - Ví dụ, Cắt đôi nỗi sầu là buồn, mà Bên trên tầng lầu cũng buồn, thậm chí là sầu. Nhưng nghe vui, bắt tai.

Tân bỗng nở một nụ cười ý nhị:

- Em không muốn làm mọi người trong xã hội nghe nhạc của em mà phải sầu não.

Đúng rồi, nhạc vui hay nhạc buồn đều phải gieo tin yêu vào cuộc sống. “Em đâu hề sai em đâu thể mãi để trái tim đau”, “Thiên đường vẫn chờ ngày em đến” (Bên trên tầng lầu). Nhạc hay phải giúp làm mới, giúp “tái sinh” tâm hồn người nghe. Để được như vậy, bản thân người nghệ sĩ phải biết “tái sinh” trong nghệ thuật.

- Người nghệ sĩ phải viết từ gan ruột của mình. Phải “giết” cái tôi của mình hôm qua, phải tự huỷ mình, loại bỏ cái cũ, như trong một cuộc Tái sinh, để tạo ra cái tôi mới của hôm nay và ngày mai - Tôi phấn hứng nói - Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã diễn tả nỗi đau sáng tạo ấy trong bài thơ Phục sinh:

tôi thèm giết tôi

loài sát nhân muôn đời

tôi gào tên tôi thảm thiết

thanh tâm tuyền

bóp cổ tôi chết gục

để tôi được phục sinh

Và tình yêu là sự cứu rỗi, là cội nguồn cảm hứng sáng tạo:   

em

hãy mở cửa trái tim

tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ

trong sạch như một lần sự thật.

Tân ngẫm nghĩ về cách viết của hồi trước và thời nay rồi nói:

- Xã hội càng phát triển, những cái liên quan sâu về nghệ thuật, triết học, càng ít người quan tâm. Cách diễn đạt của em cũng không thể nào theo hướng ngày xưa được. Ngày xưa, chuyện sinh tử, mất còn rất hệ trọng, người ta có nhiều nghĩ suy, cảm xúc về điều này. Cảm xúc yêu đương ngày xưa cũng mãnh liệt hơn bây giờ. Thời hiện đại, cái chi cũng dễ, cần nhắn tin, nhắn cái là xong. Hồi xưa, yêu đương phải viết thư tay, gửi cả tháng mới tới, nên cảm xúc nó mãnh liệt hơn.

- Ừ, con người thời hiện đại thì khác - Tôi tỏ vẻ đồng tình với Tân - Bị chi phối bởi công nghệ, người ta cứ trượt, trượt trên điện thoại di động, cứ đọc lướt qua, lướt qua thôi. Người ta có khi không cần đọc sâu, chỉ đọc nhanh. Hôm nay xuất hiện trend này, ngày mai có trend khác nổi lên thay thế. Con người hiện đại là vậy.

- Dạ, xu hướng hiện đại là cái chi cũng đi rất nhanh. Nên cách truyền đạt của em có sự thay đổi. Nếu mà giống ngày xưa, chưa chắc em đã là nhạc sĩ mà em làm nhà văn cũng nên - Tân khẽ cười - Vì ngày xưa, người ta đọc văn thơ nhiều, còn bây giờ, người ta thường thích những thứ nhanh, gọn hơn. Âm nhạc được tiếp nhận nhanh hơn.  

- Đúng là âm nhạc tác động mạnh vào nội tâm con người. Nó lan truyền nhanh, gây cảm xúc mạnh. Nhưng bây giờ, nhu cầu thưởng thức mọi thứ của con người luôn thay đổi và trôi qua rất nhanh. Bản hit này ra, bản hit khác thay thế, rồi thời gian phủ bụi lên. Nhưng nếu em làm những cái gì đó, như Tùng Dương nói với em là viết cho Tùng Dương một bài sâu sâu, cái đó sẽ có độ bền của nó. Mình biết “tái sinh” mình trong nghệ thuật thì bụi thời gian không thể lấp mình được. Tuổi thọ của bài hát, tuổi thọ của nghệ thuật sẽ khá lên - Nhớ lại chuyện người ta nói Tân viết một màu, tôi xoay qua nêu một trường hợp viết đa màu là nhạc sĩ Phạm Duy - Ông Phạm Duy là phù thuỷ về giai điệu, nhạc ông phong phú, kỹ thuật cao. Ông viết đủ thứ, từ ca khúc đến trường ca, từ tâm ca, đạo ca đến thiền ca, rong ca… Nhưng không phải ông viết cái gì cũng hay, cũng lan toả sâu vào tâm cảm người nghe.

Tân có vẻ như chưa nghe nhiều về nhạc Phạm Duy nhưng Tân nhạy cảm với những điều tôi đề cập về “viết đa màu”, “kỹ thuật cao”, liền nói:

- Thực ra, để viết nhạc hàn lâm không phải quá khó. Nhưng nhạc hàn lâm của em viết ra sẽ rất ít người nghe được. Em đi làm nghề, em biết phải phục vụ ai. Trước khi đạt đến cái độ thực sự đơn giản hiện tại, em đã trải qua tất cả những sự “phức tạp” của âm nhạc. Em đã thử hết những thứ “phức tạp” đó. Em nói với anh Tùng Dương là nếu anh muốn em viết bài hàn lâm thì bài đó, anh em mình nghe với nhau thôi. Để phục vụ khán giả, mình phải biết tiết chế lại. Em tìm hiểu về Phật giáo, em thấy nếu dùng những ngôn từ triết học Phật giáo thì rất khó để người ta có thể hiểu được.

Tân làm tôi liên tưởng ngay đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

- Chỉ có ông Sơn đã làm cho những tư tưởng Phật giáo trừu tượng, khó hiểu dễ đi vào đại chúng bằng âm nhạc.

- Giờ hỏi giới trẻ triết học, ý nghĩa của từ triết học là gì, nhiều khi họ không biết nữa. Họ biết toán học là cộng trừ nhân chia chứ hỏi triết học là gì, triết học để làm gì, nhiều người không biết.

Ca sĩ Tăng Duy Tân biểu diễn ở quê hương nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Hải Lăng - Ảnh: TGCC

Ca sĩ Tăng Duy Tân biểu diễn ở quê hương nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Hải Lăng - Ảnh: TGCC

Tân còn trẻ nhưng đã sớm toả sáng bằng tài năng của mình, đó là điều rất đáng trân quý, khích lệ. Nhưng chặng đường phía trước, trên con đường nghệ thuật với sự cạnh tranh và đào thải nghiệt ngã, trên đường đời anh sóng gió như lời trong bài hát Say trong nụ cười của Tân, Tân sẽ chọn lối đi nào để tiếp tục khẳng định mình và đi xa hơn? Để tiếp tục đi tới trong nghệ thuật, tôi nghĩ Tân sẽ phải xử lý nhiều bài toán đặt ra mà cuộc trò chuyện của tôi và Tân có đề cập một phần. Viết một màu hay viết đa màu? Tôi nghĩ điều cốt yếu, mỗi nhạc sĩ phải tìm đúng những cái màu “trời cho” của chính mình, nếu ôm đồm, viết không đúng màu của mình, tác phẩm sẽ không sâu, không hay. Ông Phạm Duy rất giỏi, nhưng ông vẫn mắc lỗi viết những thứ không phải màu của mình. Viết nhạc nghe “gây nghiện”, viết ra hit, viết tạo trend là điều khó, đòi hỏi người làm nhạc ngoài lối đi riêng trong chuyên môn còn phải nắm bắt nhanh nhạy thị hiếu, thị trường và Tân đã làm được điều này nhiều năm qua. Nhưng vượt lên nhạc “gây nghiện”, vượt lên hit, vượt lên trend càng khó hơn, để từ đó có nhạc mở rộng chủ đề hơn (ngoài những chủ đề quen thuộc với giới trẻ như tình yêu, niềm vui, nỗi sầu… ), nội dung sâu hơn, gia tăng tính triết lý trong thời buổi thông tin chạy theo trend, giới trẻ ít quan tâm đến triết học như Tân đã biết. Nhạc “chiều lòng” thị trường thì đúng rồi, không có gì sai. Nhưng nhạc nâng cao thị hiếu người nghe càng tốt hơn. Và luôn luôn làm mới về cách viết, phá vỡ những giới hạn.

Bất chợt, trong tôi vẳng lên bài hát Anh đã loop trong niềm đau này của Tân. Bài hát buồn nhưng lại mang tiết tấu nhộn và bắt tai - một nghịch lý đầy cuốn hút. Tân diễn tả một người đang mắc kẹt trong vòng lặp (loop) của niềm đau và u sầu, muốn thoát ra, vì anh chẳng muốn, chẳng muốn, chẳng muốn nó ở trong đầu. Cấu trúc âm nhạc của Tân lâu nay thường đi theo vòng loop “gây nghiện”: intro (mở đầu) ma mị - verse (đoạn kể chuyện) nhẹ nhàng - hook (giai điệu ngắn, câu hát quan trọng) lặp nhiều lần - drop (đoạn nhạc bùng nổ) rồi kết mở, tạo nên một công thức thành công nhưng cũng dễ thành… một cái bẫy nghệ thuật, biết đâu đấy.

Vì thế, tạm biệt Tân, tôi hình dung đến một ngày gặp lại được vui mừng thấy Tân vẫn là chính mình và luôn luôn mới, thấy Tân dũng cảm phá vỡ vòng loop, vượt ra ngoài cấu trúc “gây nghiện” đã có, thử nghiệm những dạng thức âm nhạc khác, mở rộng thế giới của mình để tiếp tục làm say đắm lòng người và nhất là say đắm lâu dài.

              

 
 
NGUYỄN HOÀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 368

Mới nhất

Nông thôn mới kiểu mẫu - làng đẹp, hiện đại

8 Giờ trước

Phát huy thành quả của quá trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) đạt chuẩn năm 2017, NTM nâng cao năm 2022, đến nay xã Cam Nghĩa,

Đổi thay ở xã An toàn khu

8 Giờ trước

Triệu Nguyên và Ba Lòng là hai xã miền núi xa xôi hẻo lánh của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Trên những cánh đồng “không dấu chân”

8 Giờ trước

Trong bối cảnh ngành kinh tế chuyển mình mạnh mẽ giữa kỷ nguyên số hóa, nông nghiệp vốn được

Đồng dao trên đồng

8 Giờ trước

Ai cũng có một quê nhà để thương để nhớ, để hồi cố và cả để hồi hương. Tôi luôn

Xây dựng nông thôn mới đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa

8 Giờ trước

LTS: Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài với sự tham gia tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp đồng bộ để phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, bền vững, đảm bảo sự hài lòng của người dân. Phóng viên tạp chí Cửa Việt đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Xuân Hòe - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị về những nội dung liên quan.

Những đổi thay về văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới

14/05/2025 lúc 15:34

Sau gần 15 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, diện mạo không gian của nhiều làng quê đã có những thay đổi tích cực và rõ nét. Đường làng ngõ xóm được mở rộng, bê tông hóa hoặc nhựa hóa sạch sẽ, điện đường chiếu sáng khắp thôn, hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư mới hoặc nâng cấp, tạo điều kiện tốt cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng như sinh hoạt cộng đồng. Có thể nói, quá trình thực hiện nông thôn mới đã tác động sâu sắc đến văn hóa tại các làng quê.

Vấn đề con người mới trong xây dựng nông thôn mới

14/05/2025 lúc 15:24

Xây dựng nông thôn mới là một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lớn. Chương trình mục tiêu quốc gia này không chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng, kinh tế, đời sống mà còn xây dựng con người mới - chủ thể của quá trình phát triển. Có thể hiểu rằng, con người mới là những người có lối sống, suy nghĩ và hành động phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Họ đóng vai trò then chốt trong việc thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng nông thôn, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Sông quê

13/05/2025 lúc 23:35

Con sông êm đềm mát mẻChảy từ lòng mẹ chảy raSông luôn dâng đời sự sống

Nhớ làng; Ru tôi

13/05/2025 lúc 23:33

Nhớ làng Tôi nhớ làng tôi hiền như ca dao mở nướccây đa rợp

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

16/05

25° - 27°

Mưa

17/05

24° - 26°

Mưa

18/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground